Điều gì khiến bạn thích thú với một chiếc xe hơi? Hình dạng nổi bật của mui xe, cảm giác yên tâm bám đường khi cua gấp hay bố cục bảng điều khiển gọn gàng và ngăn nắp? Rất khó để sử dụng các yếu tố kỹ thuật để tác động vào một thứ vô hình như cảm giác, do đó, Mazda dã dựa vào các nhà thiết kế và nghệ nhân chế tác thủ công để tạo nên một chiếc xe thực sự mang đến cảm giác sống động.
Nghệ thuật chế tác thủ công tinh tế
Trong quan niệm của Mazda, ô tô không đơn thuần chỉ là một phương tiện đi lại mà còn là vật có giá trị về mặt tình cảm cũng như công cụ để trải nghiệm niềm vui thực thụ khi lái xe. Nhưng làm thế nào để có thể mang đến cảm giác đó cho người lái? Tại Mazda, câu trả lời chính là đôi bàn tay của những thợ thủ công bậc thầy.
Các nghệ nhân chế tác thủ công liên tục làm việc với các nhà thiết kế ngoại thất, nội thất để chắt lọc tinh thần của mẫu xe mới, chỉnh sửa ý tưởng nhiều lần cho đến khi thực sự vừa ý. Quá trình này phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian. Đầu tiên, các nhà tạo mẫu phải dựng các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét, kim loại và gỗ. Trong một số trường hợp, họ dựa trên bản phác thảo từ nhóm thiết kế, những lần khác đơn giản chỉ là kết quả từ cảm nhận riêng của họ về mẫu xe thông qua các mô hình 3D. Những mảnh ghép này chính là nguồn cảm hứng ngược trở lại cho các bản phác thảo của xe thực tế.
Các nghệ nhân tạo hình sẽ sử dụng hỗn hợp sáp, dầu, bột màu và cốt liệu làm nóng đến khoảng 60°C để làm mẫu vật, thời gian hoàn thiện có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Trung bình, một tác phẩm điêu khắc bằng đất sét theo tỉ lệ 1:4 sẽ mất khoảng 8 tuần để hoàn thiện, trong khi mô hình 1:1 thường mất khoảng nửa năm để tạo ra thành phẩm. Quá trình này đòi hỏi tư duy trừu tượng ở mức cao và khả năng nhận thức không gian tỉ mỉ.
Chỉ khi mẫu vật đất sét hoàn thiện và được đưa đến cho nhóm thiết kế thì bản chất thực sự của chiếc xe mới bắt đầu lộ diện. Các cuộc thảo luận giữa nhóm thiết kế và nhóm tạo mô hình diễn ra liên tục, các chi tiết được thêm vào hoặc bỏ đi so với thiết kế gốc. Quá trình đồng sáng tạo này sẽ tiếp tục cho đến khi mọi người hoàn toàn hài lòng với kết quả mặc dù có thể mất nhiều thời gian. Đối với các mẫu xe như All-New Mazda3, Mazda CX-30, phải mất khoảng một năm cho đến khi thiết kế cuối cùng được thông qua. Xét cho cùng, mục tiêu của Mazda chính là sự hoàn hảo trong từng chi tiết, vì vậy thời gian và mức độ chính xác phải được đảm bảo.
KODO – Linh hồn của sự chuyển động
Ngôn ngữ thiết kế KODO được giới thiệu lần đầu vào năm 2010 thông qua mẫu xe ý tưởng Shinari. Giám đốc Thiết kế Ikuo Maeda đã có một mục tiêu rõ ràng trong đầu vào thời điểm đó: nắm bắt được bản chất của chuyển động và cảm xúc trong ngoại thất của một chiếc ô tô. Về mặt lý thuyết, ý tưởng này nghe có vẻ rất đơn giản nhưng thực tế việc diễn đạt nó lại vô cùng khó khăn. Nhóm thiết kế đã làm việc không mệt mỏi để loại bỏ những yếu tố được xem là không thực sự cần thiết trong bản thiết kế, mục đích tạo nên một hình dạng xe hơi rõ ràng và mang năng lượng chuyển động của một sinh vật sống, được các nhà thiết kế Mazda gọi bằng một khái niệm đầy sức gợi là “KODO – Linh hồn của sự chuyển động”.
Thiết kế KODO giai đoạn đầu gắn liền với những đường gân dập nổi, những đường viền bóng mờ chạy dọc phần thân xe, tạo nên các mảng khối mạnh mẽ như cơ bắp của loài báo. Cho đến giai đoạn năm 2015, thiết kế KODO dần dịch chuyển mạnh mẽ theo khuynh hướng tối giản “Less is more” đúng với tinh thần mỹ học Nhật Bản. Để đạt được điều này, các nhà thiết kế tại Mazda đã dựa vào 3 yếu tố chính: Yohaku – vẻ đẹp của không gian trống; Sori – sự đĩnh đạc và cân đối đến từ những đường cong và Utsuroi – sự hòa quyện giữa ánh sáng và bóng tối. Theo tác giả nổi tiếng người nhật Tanzaki Junichiro, ánh sáng và bóng tối là một trong những cốt lõi của thẩm mỹ học Nhật Bản. Hai yếu tố này sinh ra từ tự nhiên, góp phần tạo nên các hình dạng sống động tùy thuộc vào không gian, thời gian và vật thể mà chúng chiếu rọi vào. Ánh sáng và bóng tối cũng chính là những yếu tố then chốt kiến tạo nên không gian sân khấu sống động và đầy sức gợi cho các màn trình diễn kịch mặt nạ Noh truyền thống Nhật Bản. Lấy cảm hứng từ đó, ánh sáng và bóng tối được lồng ghép trong thiết kế KODO và ứng dụng lên toàn bộ các mẫu xe Mazda.
Tất cả các đường nét cắt xẻ mạnh mẽ bên hông xe được loại bỏ, tạo ra một khoảng trống như một bức canvas để ánh sáng chiếu vào, tạo nên vẻ đẹp tinh tế đến từ sự tối giản. Khi xe di chuyển, ánh sáng trên xe thay đổi tạo nên các hình dạng biến đổi liên tục, gợi nhắc đến đến một vật thể sống đang cựa mình dưới lớp vỏ kim loại. Thành tựu lớn nhất của thiết kế KODO được biểu hiện của hai mẫu xe concept RX-Vision và Vision Coupe – “Mẫu xe ý tưởng đẹp nhất” của hai năm 2015 và 2017, nhận được cơn mưa lời khen của giới mộ điệu. Với Mazda3 thế hệ mới nhất, ngôn ngữ KODO thế hệ thứ 2 đã chính thức được ứng dụng và đưa vào sản xuất thương mại.
Trên thực tế, nhiều người đã tỏ ra nghi ngại khi Mazda thể hiện tham vọng có thể tạo ra những chiếc xe có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là quốc gia này không có sự phân định rạch ròi giữa nghệ thuật và sản phẩm thương mại. Người Nhật cho rằng tại sao chúng ta lại không chú tâm và đầu tư vào những thứ chúng ta tiếp xúc và sử dụng hằng ngày thay vì chỉ tập trung các tác phẩm nghệ thuật chỉ được trưng bày trong viện bảo tàng? Với triết lý độc đáo này, không khó hiểu khi nhiều sản phẩm thông dụng tại Nhật Bản lại có thiết kế được tôn vinh toàn cầu. Nổi bật trong số đó chính là hộp đựng thức ăn bento. Vẻ đẹp của bản thân chiếc hộp là một phần của trải nghiệm tổng thể, cũng như cách trình bày nghệ thuật của những loại thức ăn được đặt bên trong hộp. Như vậy, trước khi nếm bằng vị giác, người thưởng thức đã kịp thỏa mãn về mặt thị giác. Tương tự, đối với những nhà thiết kế và người hâm mộ Mazda, thiết kế KODO chính là khúc dạo đầu tinh tế có khả năng khơi gợi cảm xúc trước khi người lái kịp tận hưởng trọn vẹn sự hứng khởi ngập tràn đằng sau vô lăng.